SẾP NHẬT ĐÁNH GIÁ NHÂN VIÊN Ở KHÍA CẠNH NÀO?!

Khi làm việc với một cấp trên là một người Nhật, không ít bạn sẽ cảm thấy rất bối rối khi không biết cấp trên sẽ đánh giá bạn như thế nào. 

Hãy cùng Kyouikusouken tìm hiểu những khía cạnh mà sếp Nhật dùng để đánh giá nhân viên của họ nhé. (Tùy theo mỗi công ty sẽ có những thang điểm đánh giá khác nhau. Bài viết mang tính tham khảo dưới góc nhìn của công ty tư vấn lâu năm trong lĩnh lực đào tạo nguồn nhân lực)

Bây giờ, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu từng tiêu chí một nhé. 

ĐÁNH GIÁ VỀ VĂN HÓA, CÁCH ỨNG XỬ

Văn hóa ứng xử là một cụm từ luôn luôn được nhắc đến trong xã hội Nhật, đặc biệt càng được chú trọng trong môi trường kinh doanh tại Nhật. Người Nhật cho rằng "văn hóa ứng xử là nền tảng để phát triển các kỹ năng quan trọng" về sau. Vì vậy, mỗi nhân viên mới khi bước vào công ty đều được trainning về văn hóa ứng xử. Văn hóa ứng xử là một chủ đề rất rộng, bao hàm tất cả các việc từ chào hỏi, đi đứng, giao tiếp, tuân thủ,....

Tuy nói văn hóa ứng xử có phạm trù rộng, nhưng việc đánh giá một người có cách ứng xử tốt hay không lại không hề khó khăn. Sếp Nhật sẽ nhìn vào việc bạn có chủ động chào hỏi, vui vẻ trả lời, nhiệt tình khi nhận hướng dẫn hay không,....Đây hoàn toàn không phải là những việc khó phải không nào! 

Nếu biết được những yêu cầu về cách ứng xử đúng trong xã hội Nhật, thì ai trong chúng ta đều có thể làm được.

THÁI ĐỘ TRONG QUÁ TRÌNH LÀM VIỆC

Bạn có thường kể lể, phàn nàn và bào chữa trong quá trình làm việc không? Mọi người xung quanh đang theo dõi thái độ làm việc của bạn đấy.
Bất cứ ai cũng muốn làm việc với một người hăng hái, trung thực và tích cực trong công việc. Trong một tập thể, ai cũng cần phải giải quyết những công việc riêng của họ. Nếu bạn thường xuyên đem những áp lực của bản thân đi kể lể, hay luôn đổ lỗi cho những sai lầm thường mắc phải thì bạn sẽ trở thành gánh nặng tâm lý cho mọi người xung quanh đấy. 

Việc bạn liên tục phàn nàn về những khó khăn và bất mãn với mọi người xung quanh sẽ không giúp bạn cải thiện được vấn đề. Nó chỉ khiến cho hình ảnh của bạn trở nên không tốt trong mắt mọi người mà thôi.

Hãy thôi phàn nàn về những vấn đề của bạn. Tốt nhất nên nhìn nhận xem bản thân đang gặp vấn đề gì, tự tìm cách giải quyết hoặc nhờ sự giúp đỡ từ những người thật sự có thể cho bạn lời khuyên. Dừng việc bào chữa cho những sai lầm của bản thân. Nếu bạn liên tục chối bỏ trách nhiệm cho các vấn đề của mình và ngồi đó để nhận được "sự đồng cảm" của mọi người thì bạn tự biến mình thành nạn nhân của chính cuộc đời mình. Hãy thẳng thắn nhận lỗi sai và thực hiện tất cả những hành động thích hợp để khắc phục. 

Và rõ ràng, người được đánh giá cao thường là những người trung thực và tích cực trong công việc hơn là những người luôn phàn nàn về công việc, về đồng nghiệp, và về bất cứ thứ gì khiến họ không vừa ý.

HÀNH ĐỘNG THƯỜNG NGÀY

Một số người cố gắng làm bất cứ điều gì khi họ nhận được chỉ thị từ cấp trên. Tuy nhiên, nếu không có bất cứ yêu cầu nào từ cấp trên, họ sẽ có tâm lý ngồi chờ cho đến khi nhận được hướng dẫn tiếp theo. Trong số các nhân viên, công ty đánh giá cao những người có thể chủ động thực hiện các hành động dẫn đến lợi ích của công ty. Một số doanh nghiệp Nhật còn có bảng đánh giá năng lực hành động của từng nhân viên nữa đấy.

Sẽ có trường hợp, bạn vừa làm xong việc này đã bị giao ngay cho việc khác nên không có cơ hội để chủ động nhận việc. Hãy cố gắng nâng cao năng suất làm việc để hoàn thành trước thời hạn mà cấp trên giao cho thử xem. 

SỰ ĐÓNG GÓP CHO CÔNG TY

Đóng góp cho công ty có nghĩa là bạn có tạo ra kết quả dẫn đến lợi nhuận cho công ty. Những người không đóng góp cho công ty sẽ không được đánh giá cao. Nếu bạn không đóng góp cho công ty và chỉ tồn tại để nhận lương mỗi tháng thì tất nhiên sẽ không nhận được đánh giá cao từ cấp trên. Hãy thử nhìn nhận lại công việc hằng ngày của mình, đánh giá khách quan xem bạn đã đóng góp được gì cho công ty. Và trong tương lai, bạn muốn phát triển, đóng góp nhiều hơn nữa ở những lĩnh vực, khía cạnh nào. Từ đó, hãy lên kế hoạch để trở thành một người có ích cho tổ chức. 

Cấp trên người Nhật khá nhạy cảm với những suy nghĩ và tham vọng của nhân viên, họ rất xem trọng những nhân viên có ý thức cống hiến và tham vọng phát triển tại công ty. Vì vậy, hãy tận dụng tâm lý này để tìm hiểu xem, cấp trên mong đợi gì ở bạn và bạn có thể làm gì để đáp lại mong đợi đó nhé. 

KỸ NĂNG VÀ KINH NGHIỆM

Tất nhiên, kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm là những yếu tố tiên quyết để tuyển dụng một nhân viên nào đó. Tuy nhiên, sau khi được tuyển dụng mà nhân viên này không có ý thức tự phát triển và nâng cao kỹ năng, kiến thức thì cũng sẽ không nhận được đánh giá cao của cấp trên. Người Nhật rất xem trọng ý thức tự rèn luyện bản thân. Người Nhật cho rằng "kiến thức, thông tin là vũ khí", nên bạn sẽ rất dễ bắt gặp nhiều người chăm chú đọc sách, báo trên các phương tiện công cộng. 

Bên cạnh việc học hỏi kiến thức, rèn luyện kỹ năng, thì việc tích lũy kinh nghiệm trong quá trình làm việc cũng được xem trọng. Kinh nghiệm của mỗi người sẽ được hình thành từ nhận thức và cách người đó phản ứng lại khi đối mặt với các lựa chọn trong công việc và cuộc sống. Kinh nghiệm của tất cả chúng ta đều rất có giá trị. Nếu cùng một công việc nhưng nhờ vào kinh nghiệm bạn có thể làm nhanh hơn đồng nghiệp thì tất nhiên bạn sẽ được đánh giá cao hơn. Hãy cố gắng tích lũy kinh nghiệm trong quá trình làm việc để đi nhanh hơn bạn nhé.

Trong bài này, Kyouikusouken đã giới thiệu tới bạn những khía cạnh mà sếp Nhật sẽ dùng để đánh giá một nhân viên. Đừng quá lo lắng nếu bạn chưa nhận được đánh giá tốt từ cấp trên. Hãy chọn ra một điều trong năm điều trên, và tìm cách cải thiện bản thân mình. Kyouikusouken tin rằng, khi bạn nổ lực để thay đổi thì cấp trên và mọi người xung quanh chắc chắn sẽ nhìn thấy và công nhận bạn.